Có một niềm tin đã ăn sâu vào đa số chúng ta, rằng người thắng cuộc không bao giờ bỏ cuộc và người bỏ cuộc sẽ chẳng đi đến đâu. Và chúng ta đang trả giá cho niềm tin đó, khi cân nhắc từ bỏ một công việc tồi tệ hay rời bỏ một mối quan hệ độc hại, ta đều có xu hướng mắc kẹt quá lâu trên một lộ trình chẳng còn phù hợp.
Mặt trái của sự kiên trì
Ai cũng cho rằng một người thành công ở lĩnh vực nào đó là do họ đã kiên trì theo đuổi nó. Điều này luôn đúng khi ta nhìn lại quá trình phát triển đã qua của họ. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng, nếu kiên trì theo đuổi bạn sẽ đạt được thành công. Trong cuốn sách “Từ bỏ” (tựa gốc: Quit) Annie Duke – tác giả, diễn giả, nhà tư vấn trong lĩnh vực ra quyết định và là Tiến sĩ về Tâm lý học Nhận thức – sẽ giúp bạn “lật ngược” những niềm tin phổ biến về thành công và thất bại.
Theo Annie Duke, sự kiên trì cũng tồn tại những mặt trái. Nó có thể thôi thúc bạn quyết chí theo đuổi một mục tiêu khó khăn và xứng đáng, nhưng cũng chính nó khiến bạn tiếp tục con đường khó khăn vốn không còn đáng theo đuổi nữa.
Võ sĩ quyền anh Muhammad Ali là một minh chứng rõ ràng cho việc này. Vào năm 1974, khi quay trở lại sàn đấu, ông được nhiều người nhận định là khó có khả năng chiến thắng một đối thủ trẻ trung, vạm vỡ và “bất bại” trong giới quyền anh thời điểm đó. Nhưng với sự kiên trì và quyết tâm, Ali đã giành chiến thắng và lần nữa khẳng định danh hiệu võ sĩ “vĩ đại nhất mọi thời đại”. Nếu câu chuyện chỉ dừng tại đây, Ali hẳn là ví dụ tuyệt vời cho sức mạnh của sự kiên trì. Nhưng mọi thứ không dừng tại đó.
Sự kiên trì đã giúp Ali chiến thắng và chính nó cũng đã giữ Ali trên sàn đấu suốt bảy năm sau đó, bất chấp mọi lời khuyên can và dấu hiệu cảnh báo rằng sức khỏe của ông đang đi xuống. Vì điều này, ông đã phải trả giá đắt ở cuối sự nghiệp với nhiều trận thua liên tiếp, mắc hội chứng Parkinson và giảm sút về thể chất lẫn tinh thần.
Sự kiên trì đến cố chấp đó không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng cho Muhammad Ali mà còn khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức chịu tổn thất nặng nề. Bây giờ hãy nhìn lại những doanh nghiệp lớn như Sears, Blockbuster hay chuỗi cửa hàng giảm giá ABC, họ đã tiêu tốn hàng triệu đô-la vì cố duy trì một mô hình hoặc quy trình đã không còn hoạt động hiệu quả, để rồi dẫn tới kết quả vô cùng đáng tiếc.
Theo Annie Duke, bởi vì không muốn “kết sổ” khi đang chịu tổn thất nên chúng ta cứ một mực bám lấy con đường vốn đã không còn xứng đáng với công sức mình bỏ ra, dù đó là một mối quan hệ đang trở nên tồi tệ, một loại cổ phiếu đầu tư đang mất giá, hoặc một quyết định kinh doanh đang ngày càng thua lỗ, nhưng đó cũng là lúc bạn đang đánh mất lợi thế cạnh tranh của mình.
Dựa trên những nghiên cứu khoa học về quyết định từ bỏ, Annie đã chỉ ra rằng chúng ta đều có khuynh hướng cân đo rất kém giữa lựa chọn kiên trì và từ bỏ. Cụ thể, khi đối mặt với tình huống xấu, ta có xu hướng kiên trì quá lâu, nhưng khi có được trạng thái tốt đẹp thì ta lại từ bỏ quá sớm.
Hẳn ai trong chúng ta cũng từng có suy nghĩ này trong đầu, rằng “Nếu biết trước thế này, mình đã chọn khác đi”. Từ bỏ chính là công cụ giúp bạn đưa ra quyết định khác đi khi đã tiếp nhận thông tin mới. Từ bỏ, theo định nghĩa của Annie Duke, không có nghĩa là buông xuôi, đầu hàng mà là kỹ năng tư duy biết buông đúng lúc, bỏ đúng việc nhằm gia tăng sự lựa chọn, giảm thiểu rủi ro và rút ngắn thời gian đạt được thành công.
Thế giới không ngừng thay đổi, do vậy, chúng ta cần phải từ bỏ những thứ đã không còn hữu ích đối với sự phát triển của mình. Nên nhớ, mỗi lần bạn sa lầy vào một nỗ lực đang thua lỗ, đó chính là lúc bạn đang lãng phí năng lượng, thời gian và tiền bạc của mình, những thứ lẽ ra nên được đầu tư cho những mục tiêu tốt hơn. Và quan trọng hơn, thành công cũng không nằm ở việc bám chặt lấy mục tiêu, mà nằm ở việc lựa chọn mục tiêu đúng đắn để gắn bó và từ bỏ mọi thứ còn lại.
Buông đúng lúc, bỏ đúng việc để thành công
Có vô số cuốn sách khuyên chúng ta phải kiên trì theo đuổi mục tiêu nhưng hiếm có cuốn sách nào dành thời gian để thảo luận về việc bạn nên từ bỏ để thành công. Và Annie Duke đã làm điều đó. Xuyên suốt mười một chương sách, tác giả sẽ giúp bạn có cái nhìn khác đi về quyết định từ bỏ và hiểu được nên từ bỏ cái gì, từ bỏ khi nào để cải thiện kỹ năng ra quyết định của mình.
Không chỉ vậy, tác giả còn đào sâu vào các nghiên cứu khoa học và đưa ra những phân tích thấu đáo về các tác nhân đã ngăn trở chúng ta đưa ra quyết định đúng đắn trong trường hợp tiến thoái lưỡng nan. Có lẽ bạn không biết rằng, những rào cản tâm lý và các thiên kiến nhận thức, như tính sở hữu, ám ảnh mất mát, thiên kiến hiện trạng,… đã góp phần không nhỏ trong việc khiến chúng ta ngày càng sa lầy vào những quyết định thiếu sáng suốt và khó lòng từ bỏ đúng lúc.
Trên thực tế, chúng ta không thể đạt được thành công nếu như cứ hễ gặp khó khăn là từ bỏ, nhưng thành công cũng không đến từ việc bám chặt vào những mục tiêu khó khăn mà chẳng nhận được sự đền đáp xứng đáng. Cái khó là làm sao để xác định được đâu là mục tiêu đáng giá và đâu là mục tiêu không còn xứng đáng để theo đuổi. “Từ bỏ” sẽ giúp bạn xây dựng những công cụ để làm được điều đó.
Trong “Từ bỏ”, tác giả tập trung vào giải pháp và đề ra những chiến lược nhằm giúp bạn cải thiện khả năng ra quyết định của mình. Bạn sẽ biết cách tư duy theo giá trị kỳ vọng để xác định xem liệu con đường mình đang đi có đáng để duy trì hay không, biết lập bộ tiêu chí khai tử để phòng tránh việc đưa ra những quyết định tồi tệ, đồng thời biết cách lên kế hoạch dự phòng để đa dạng hóa cơ hội của bản thân.
Một điểm cộng khác của sách là Annie đã chia nhỏ các khái niệm tâm lý học và kinh tế học phức tạp thành những phân tích gãy gọn và dễ hiểu. Cô cũng đưa ra nhiều dẫn chứng và câu chuyện từ những người nổi tiếng mà qua đó bạn sẽ được chứng kiến những thăng trầm, thành bại, đến từ quyết định tiếp tục hay từ bỏ của các nhân vật.
Nhìn chung, khi từ bỏ, ta lo sợ mình sẽ thất bại hoặc lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc đã đầu tư trước đó. Nhưng sự thật là, từ bỏ một thứ không còn đáng theo đuổi không phải là thất bại mà là một sự thành công. Đừng chỉ đánh giá bản thân thông qua việc bạn có đạt mục tiêu hay không mà hãy tự hỏi mình đã đạt được gì và học hỏi được gì trên cả chặng đường.
Với những phân tích sâu sắc, chặt chẽ và dẫn chứng cụ thể, Annie Duke sẽ giúp bạn học cách mở khóa thành công theo một cách hoàn toàn mới mẻ. Cho dù bạn đang phải đối mặt với một quyết định kinh doanh hay một lựa chọn cá nhân quan trọng, việc nắm vững kỹ năng từ bỏ sẽ giúp bạn có những bước tiến vững chắc trên hành trình của mình.
Về tác giả:
Annie Duke là tác giả, diễn giả, nhà tư vấn trong lĩnh vực ra quyết định. Cô cũng là người chơi bài poker chuyên nghiệp, từng thắng được tổng cộng hơn 4 triệu đô-la trong các giải đấu poker. Annie là người phụ nữ duy nhất từng giành vị trí vô địch Giải đấu Poker Thế giới dành cho các nhà vô địch và Giải vô địch Poker Quốc gia NBC. Cô từ giã poker vào năm 2012. Trước khi trở thành người chơi Poker chuyên nghiệp, Annie đã được trao học bổng của Quỹ Khoa học Quốc gia để nghiên cứu về Tâm lý học Nhận thức tại Đại học Pennsylvania và năm 2023 Annie đã lấy được bằng Tiến sĩ về Tâm lý học Nhận thức.
Annie là người đồng sáng lập của The Alliance for Decision Education (Liên minh Giáo dục về Quyết định), một tổ chức phi lợi nhuận với sứ mệnh cải thiện cuộc sống thông qua việc rèn luyện cho học sinh về kỹ năng ra quyết định. Cô cũng là thành viên Hội đồng Quản trị của Viện Franklin.
Annie Duke cũng là tác giả của các cuốn sách bán chạy: Thinking in Bets (tạm dịch: Tư duy đặt cược), How to Decide (tạm dịch: Cách ra quyết định).
Bài viết liên quan: