Phim Vầng trăng thơ ấu vừa ra mắt poster chính thức, phần nào hé lộ cuộc đời của Bác Hồ thời còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung theo cha mẹ ra Huế sinh sống. Phim cũng ấn định ngày khởi chiếu, dự kiến từ ngày 17-5.
Vầng trăng thơ ấu (tác giả kịch bản: Đặng Thị Thanh Bình, đạo diễn Hồ Ngọc Xum) là tác phẩm được Công ty cổ phần phim Giải phóng sản xuất nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024); 134 năm ngày sinh Bác Hồ (19/5/1890 – 19/5/2024) và 113 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2024).
Bộ phim lấy bối cảnh từ năm 1895 đến năm 1901 khi Bác Hồ (tên thời thơ ấu là Nguyễn Sinh Cung) cùng cha mẹ là ông Nguyễn Sinh Sắc, bà Hoàng Thị Loan và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm vào Huế lần đầu tiên.
Poster chính thức là hình ảnh của 4 thành viên gia đình Bác Hồ khi ấy, khuôn mặt mỗi người ẩn chứa nỗi niềm khác nhau. Hình ảnh xa xa là kinh thành Huế với cửa Ngọ Môn, những cung điện nguy nga lộng lẫy. Nhưng, gây chú ý không kém chính là hình ảnh đối lập 4 thành viên gia đình Bác Hồ phải vất vả băng qua đồi cát nắng cháy để đặt chân đến mảnh đất phù hoa này mà không biết hành trình phía trước sẽ chờ đợi điều gì.
Trong giai đoạn hơn 5 năm sống ở kinh thành Huế, Nguyễn Sinh Cung thấy được nhiều điều mới lạ. So với quê hương xứ Nghệ, Huế có nhiều nhà cửa to đẹp, nhiều cung điện uy nghiêm. Nhưng Huế cũng bộc lộ rõ rệt nhất những mâu thuẫn giai cấp về quyền lực, an sinh. Những người Pháp thống trị nghênh ngang, hách dịch và tàn ác. Những vị quan Nam triều bệ vệ trong những chiếc áo gấm, hài nhung, mũ cánh chuồn, nhưng khúm núm rụt rè trước vua và trước cả người Pháp.
Còn lại phần đông người lao động chịu chung số phận đau khổ và tủi nhục. Đó là những người nông dân rách rưới mà người Pháp gọi là bọn nhà quê, những phu khuân vác, những người cu ly kéo xe tay, những trẻ em nghèo khổ, lang thang trên đường phố… Những hình ảnh đó đã in sâu vào ký ức của Nguyễn Sinh Cung.
Ở Huế, Nguyễn Sinh Cung cũng có cơ hội biết đến quan Thượng thư Bộ hình Nguyễn Tuấn là người rất quý mến ông Cử Sắc (Ông Nguyễn Sinh Sắc thân phụ Bác Hồ).
Nguyễn Sinh Cung nhìn thấy lòng ái quốc vô hạn nơi Nguyễn Tuấn, nhưng bất lực khi vẫn còn bị lễ nghĩa phong kiến trói buộc: “Tam cang- Ngũ thường”.
Cũng ở Huế, cậu bé Cung kết giao với Anh Thư (dòng dõi trâm anh thế phiệt), Kiệt (con quan Thông ngôn), Hào (con nghệ nhân làm diều Tiến Vua). Trong những trò chơi với chúng bạn, dẫu tuổi còn nhỏ, Sinh Cung đã bộc lộ nhân cách xuất chúng của một nhà ái quốc, một lãnh tụ.
Cũng trong thời gian ở Huế, Nguyễn Sinh Cung đã phải trải qua một biến cố rất lớn khi bà Hoàng Thị Loan – thân mẫu của Người sau khi sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Nhuận cộng với sự vất vả khó nhọc trước đó đã qua đời vào ngày 10/2/1901.
Lúc ấy, thân phụ Nguyễn Sinh Sắc và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm đang ở Thanh Hóa, chỉ có Nguyễn Sinh Cung, mới 11 tuổi đứng ra làm chủ tang cùng bà con chôn cất mẹ khi ngày Tết đang đến gần.
Kịch bản Vầng trăng thơ ấu từng đạt giải ba Cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020 do Cục Điện ảnh tổ chức.
Đảm nhận vai trò đạo diễn, đạo diễn Hồ Ngọc Xum cho biết ông tin bộ phim đến với mình như một cơ duyên. Giai đoạn đó, ông đang thực hiện một bộ phim truyền hình khác thì được ông Nguyễn Tiến Hưng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần phim Giải phóng gọi điện mời. “Lúc đó, tôi chưa có ý định làm. Nhưng khi đọc xong kịch bản, có một vài chi tiết khiến tôi khá thích thú. Trước khi đồng ý, tôi quyết định đi Huế và Nghệ An một chuyến để tìm hiểu tình hình thực tế”, đạo diễn Hồ Ngọc Xum cho biết.
Đạo diễn Hồ Ngọc Xum cũng hé lộ, điều khiến ông thích thú và tâm đắc nhất với dự án lần này đó là khắc họa tuổi thơ của Bác Hồ là một thiếu nhi hồn nhiên, bình thường với không ít trò nghịch tinh quái như bao đứa trẻ khác. Bộ phim cũng không đi theo hướng “thần thánh hóa” cuộc đời của Bác Hồ. Nhưng từ chính những tình huống đời thường dựa trên óc quan sát, sự thông minh, lòng hiếu thảo… đã góp phần nuôi dưỡng những hạt mầm để tạo nên tính cách, nhân cách của một vị lãnh tụ sau này. Có thể nói, giai đoạn sống ở Huế với rất nhiều biến cố gia đình, biến thiên của lịch sử, xã hội đã giúp cậu bé Nguyễn Sinh Cung trưởng thành rất nhiều cả về tư duy, nhận thức và là tiền đề cho những quyết định đúng đắn về sau.
Ngoài việc bám sát lịch sử với phần cố vấn của các chuyên gia, phim cũng sẽ có những chi tiết hưu cấu song đều dựa trên những tư liệu truyền miệng để khi coi phim, khán giả sẽ bị thuyết phục.
Phim có sự tham gia của dàn diễn viên gồm: Trần Việt Bắc, Ngô Lệ Quyên, Phạm Hữu Đại, Lưu Văn An, Bạch Công Khanh, Nguyễn Ngọc Kim Ngân, Ali Quang Khải, Bùi Nguyễn Hoàng Phúc, Nguyễn Hồ Nhật Minh, Trần Đức Tuấn Hùng…
Phim do Sài Gòn Movies & Mega GS phát hành, dự kiến ra rạp từ ngày 17/5/2024.
ĐÔI NÉT VỀ TIỂU SỬ BÁC HỒ
Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời thơ ấu tên là Nguyễn Sinh Cung (một số tài liệu ghi nhận tên lúc nhỏ là Nguyễn Sinh Côn), sinh ngày 19-5-1890, tại quê ngoại là làng Hoàng Trù (còn gọi là làng Chùa), xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Cha Người là Nguyễn Sinh Sắc (tên gọi khác Nguyễn Sinh Huy, người dân còn gọi là cụ Phó bảng), sinh năm 1862, mất năm 1929, quê ở làng Kim Liên (thường gọi là làng Sen) cùng thuộc xã Chung Cự, nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Mẹ Người là bà Hoàng Thị Loan (1868–1901). Nguyễn Sinh Cung có một người chị là Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1884), một người anh là Nguyễn Sinh Khiêm (sinh năm 1888, tự Tất Đạt, còn gọi là Cả Khiêm) và một người em trai mất sớm là Nguyễn Sinh Nhuận (1900–1901, tên khi mới lọt lòng là Xin). Ông Nguyễn Sinh Sắc xuất thân từ gia đình nông dân, mồ côi cha mẹ sớm, từ nhỏ đã chịu khó làm việc và ham học. Vì vậy, ông được nhà Nho Hoàng Xuân Đường ở làng Hoàng Trù xin họ Nguyễn Sinh đem về nuôi. Là người ham học và thông minh, lại được nhà Nho Hoàng Xuân Đường hết lòng chăm sóc, dạy dỗ, ông thi đỗ Phó bảng (1901) và sống bằng nghề dạy học. Đối với các con, ông Sắc giáo dục ý thức lao động và học tập để hiểu đạo lý làm người. |
Hoàng Mai Thủy Uyên
Bài viết liên quan: