Ông Kao Siêu Lực – Tổng giám đốc Công ty CP Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery): “Khi đã đủ năng lực thì hoài bão khởi nghiệp nằm trong tầm với”

“Khởi nghiệp là hoài bão của người sáng lập” – câu nói thường được giới startup nhắc đến. Bởi vì, tuy định nghĩa về startup rất rộng vẫn bao hàm ý nghĩa về một người dám vượt gian khó để biến ước mơ kinh doanh thành hiện thực. Danh từ startup chỉ phổ biến ở Việt Nam hơn 10 năm nay, nhưng nhiều người sau ngày thống nhất đất nước 1975, trong điều kiện kinh tế rất khó khăn vẫn tạo dựng được tên tuổi trên thương trường, trong đó có doanh nhân Kao Siêu Lực.

Quyển sách Doanh nhân Kao Siêu Lực: Từ một câu chuyện khó khăn đến ABC Bakery – thương hiệu Việt vươn ra thế giới vừa ra mắt, kể về hành trình khởi nghiệp của ông Kao Siêu Lực. Ông từng khởi nghiệp lần đầu trong thời kinh tế bao cấp, lần thứ hai khi kinh tế Việt Nam đã phát triển. Phóng viên Doanh Nhân Sài Gòn lại có buổi trò chuyện cùng ông về câu chuyện khởi nghiệp trước đây và hiện nay, nhân sự kiện này.

a3.jpg

* Ông có thể tiết lộ thêm những điều chưa kể trong “Doanh nhân Kao Siêu Lực: Từ một câu chuyện khó khăn đến ABC Bakery – thương hiệu Việt vươn ra thế giới”?

– Tôi nói về những năm tháng đầu tiên bước vào kinh doanh đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển ABC Bakery sau này như thế nào. Năm 1979, tôi từ Campuchia chạy nạn Pol Pot sang Việt Nam. Kinh tế thời đó rất khó khăn, nhưng nhiều người vẫn tìm đến kinh doanh để thoát nghèo và để góp phần xây dựng đất nước.

Thời bắt đầu với thương hiệu Đức Phát, tôi và cộng đồng doanh nhân lúc đó chỉ biết đến lập nghiệp chứ chưa biết đến khởi nghiệp. Nhưng chúng tôi từng có hoài bão sau khi thoát khỏi sự nghèo khó thì sẽ đưa doanh nghiệp lên tầm cao hơn, dù còn khá mơ hồ về điều đó.

* Vì sao doanh nhân thời đó muốn thực hiện ước mơ dù còn mơ hồ, thưa ông?

– Phải nhìn vào thực tế của nền kinh tế sau ngày đất nước thống nhất. Rất nhiều doanh nhân thành công trước 1975 rời bỏ đất nước vì không tin Việt Nam sẽ thoát khỏi nghèo nàn và được tự do làm ăn. Người dân lúc đó không đủ ăn đủ mặc nên thị trường kém phát triển, sức mua rất yếu. Người làm kinh doanh cũng không khá hơn vì thiếu thốn từ đồng vốn đến cơ sở vật chất.

Tôi khởi nghiệp lần thứ nhất vào năm 1982 với việc sản xuất bánh mì Đức Phát bằng một lò nhỏ trong hoàn cảnh thiếu thốn máy móc và xoay xở với đồng vốn ít ỏi. Tôi cũng như nhiều doanh nhân lúc đó vẫn có hoài bão lớn nhưng bắt buộc phải suy nghĩ thực tế. Trước tiên chúng tôi phải giữ được sự tồn tại của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh khắc nghiệt vì thiếu nguồn cầu do kinh tế chưa phát triển. Vậy nên mơ ước có nhiều tiệm bánh ngọt khang trang, tôi cũng phải dằn lòng.

* Và ông đã vượt qua khó khăn, thiếu thốn như thế nào?

– Tôi xem lần khởi nghiệp đầu tiên là hành trình dò dẫm tìm đường. Điều khó khăn đầu tiên bất cứ doanh nghiệp nào trong “giai đoạn phôi thai” cũng bắt buộc tìm được lời giải là nguồn vốn. Tôi may mắn có tính cần kiệm nên dù đến Việt Nam với hai bàn tay trắng, phải lao động chân tay để tự nuôi sống nhưng vẫn dành dụm được một ít tiền, ít đến nỗi không mua được máy móc làm bánh. Tôi tiếp tục cần kiệm bằng cách làm bánh thủ công và tận dụng động cơ cũ tìm được để chế tạo ra máy đánh trứng. Lúc chưa đủ tiền thì mua tạm máy đã dùng rồi, khi có đủ vốn mới mua được máy mới, nhưng tôi luôn chú trọng hiện đại hoá sản xuất. Đến tận bây giờ, tôi vẫn chú ý đến việc cải tiến kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất. Tôi phải học cách làm ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, như người ta hay nói ngày nay là nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm. Hơn 20 năm trở lại đây, doanh nghiệp đã biết đo lường nhu cầu thị trường và làm ra sản phẩm phù hợp, nhưng lúc trước tôi chưa có điều đó. Chi phí nghiên cứu thị trường của tôi khá cao so với quy mô sản xuất. Tôi thường biếu bánh cho người quen và cả người không quen để tìm hiểu cảm nhận của họ về sản phẩm. Họ thích mẫu mã, vị bánh… thế nào tôi đều ghi nhận. Rồi tôi ra chợ và đến các đầu mối phân phối để xem khách hàng phản hồi thế nào. Tôi tự làm tất cả công việc này để điều chỉnh vị bánh hợp với số đông. Và cũng bằng cách này tôi đã tiếp thị bánh cho rất nhiều người.

a5.jpg

* Lần khởi nghiệp thứ hai của ông thì “trơn tru” hơn…

– Khi tôi khởi nghiệp với Đức Phát, doanh nghiệp ngành bánh rất ít, chỉ có tiểu thương cạnh tranh trong một thị trường èo uột. Kinh tế Việt Nam đã khá hơn trước khi tôi bắt đầu khởi nghiệp với ABC Bakery. Trong ngành bánh có tiểu thương, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước chia nhau các phân khúc và cạnh tranh khóc liệt lẫn nhau. Doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn trước rất nhiều.

Với thương hiệu ABC Bakery, tôi đã biết tạo ra chiến lược kinh doanh. Lần đầu tiên tôi biết làm thương hiệu cho doanh nghiệp của mình. Trước kia tôi chỉ biết đến tiếp thị, nhưng vì Đức Phát đã trở thành thương hiệu, nên với ABC Bakery, tôi càng phải quảng bá tên tuổi để khách hàng biết tới mình như đã biết về Đức Phát. Quảng bá thương hiệu là cách cạnh tranh chính đáng đối với bất cứ doanh nghiệp nào mới ra thị trường và tôi đã rút gọn quãng đường nhận diện thương hiệu của khách hàng ngắn hơn khi khởi nghiệp lần hai.

* Có phải việc khởi nghiệp thời sau này dễ dàng hơn trước, thưa ông?

– Kinh tế đã phát triển, người khởi nghiệp sau có nhiều thuận lợi hơn là lẽ đương nhiên, bởi không phải dò dẫm tìm đường như chúng tôi vì đã có “vườn ươm” hướng dẫn kế hoạch kinh doanh. Nguồn vốn mạo hiểm cũng sẵn sàng rót vào kinh doanh từ ngày startup có ý tưởng khả thi vì các nhà đầu tư cũng muốn hưởng lợi từ mô hình kinh doanh mới. Chính phủ cũng có chính sách hỗ trợ khởi nghiệp để thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhưng theo tôi, khởi nghiệp bất cứ thời điểm nào cũng không hề dễ dàng.

Giới trẻ khởi nghiệp hiện nay cũng phải trải qua từng bước như chúng tôi đã từng. Vài năm gần đây, giới trẻ khởi nghiệp phải đối mặt với việc thiếu nguồn vốn và thị trường như lúc tôi khởi nghiệp thời bao cấp vì các quỹ đầu tư không dễ rót vốn đầu tư. Những startup chưa gọi vốn được phải tự xoay xở tìm nguồn vốn khởi nghiệp. Có người đi làm cho doanh nghiệp khác rồi để dành tiền. Có người vay mượn. Khi gọi vốn từ nhà đầu tư, giới trẻ khởi nghiệp hiện nay thường lo ngại nguy cơ mất doanh nghiệp hoặc không còn được làm chủ doanh nghiệp mình lập ra. Họ chưa đủ kinh nghiệm và kiến thức pháp lý để đối phó với nhà đầu tư lọc lõi nhưng cũng không đủ tiền để thuê luật sư bảo vệ mình. Thời chúng tôi cũng vậy, doanh nghiệp nào muốn có thêm vốn thì hùn hạp làm ăn, nhưng cũng có những quyết định sai lầm khi chọn đối tác nên mất trắng doanh nghiệp mà mình đã cố gắng gầy dựng. Cái khó nữa của người khởi nghiệp hiện nay là sự cạnh tranh gay gắt. Mỗi sản phẩm mới ra đều có nhiều đối thủ. Biên độ biến động của thị trường cũng ngắn hơn thời trước. Họ sẽ cảm nhận áp lực tạo ra sự khác biệt trong sản phẩm, thương hiệu và vươn ra thế giới để mở rộng thị trường nhiều hơn chúng tôi trước kia.

a2.jpg

Năm 2008, khi tôi cho ra đời ABC Bakery đã xuất hiện cạnh tranh gay gắt vì Việt Nam đã ký kết một số hiệp định thương mại tự do với các quốc gia. Khi doanh nghiệp trong ngành từ nước ngoài tràn vào, không chỉ ABC Bakery mà doanh nghiệp bản địa trong ngành phải đối mặt với nguy cơ cạnh tranh khốc liệt. Thị trường đã có nhiều chọn lựa hơn trong khi đa số thương hiệu nước ngoài đều đã có tên tuổi trên thương trường quốc tế. Họ có kinh nghiệm chiếm lĩnh thị trường lâu năm ở khắp nơi trên thế giới. ABC Bakery chọn cách hợp tác với các tên tuổi lớn trên thế giới thay vì cạnh tranh trực tiếp để làm bàn đạp xuất khẩu sản phẩm cùng với việc phải đa dạng sản phẩm để không phụ thuộc vào một thị trường. Tôi thấy các bạn trẻ khởi nghiệp hiện nay cũng chọn cách này.

* Theo ông, trong quản trị doanh nghiệp ở những startup giai đoạn đầu, trước đây và hiện nay có giống nhau?

– Tùy thuộc vào từng giai đoạn của thị trường nhưng điều khác biệt cơ bản giữa khởi nghiệp trước đây và hiện nay là người khởi nghiệp “không vung tay quá trán”. Vào những năm 1980, nguồn vốn kinh doanh eo hẹp nên tôi chọn mặt bằng nhỏ hẹp. Đến khi có nguồn vốn mạnh hơn mới chuyển ra mặt tiền đường lớn. Những năm cuối thập niên 2000, tôi mở nhiều điểm bán hàng khang trang vì thị trường đã khởi sắc hơn và tôi cũng có vốn nhiều hơn. Tôi biết rằng khi độ phủ phân phối với phạm vi rộng thì thương hiệu ABC Bakery được nhận biết trong khoảng thời gian ngắn và mang lại doanh thu nhanh hơn trước.

a4.jpg

Trong khi đó, sau một thời gian dài của xu hướng “khởi nghiệp trong gara” thì giới trẻ mở văn phòng thật đẹp mặc dù đôi khi còn chưa làm ra sản phẩm. Đôi khi có quá nhiều vốn trong tay mà không có kế hoạch chi tiêu cụ thể cũng dễ dẫn đến hết vốn trước khi biết mình cần làm gì. Xu hướng hiện nay lại quay về thời điểm cũ, startup đôi khi còn không có văn phòng chính thức. Kế đến là startup phải có kế hoạch đưa năng lực cạnh tranh lên tầm cao hơn. Thời trước ít vốn thì chúng tôi bắt đầu với mức tăng trưởng ổn định rồi mới đến tăng trưởng đột phá, tập trung vào chất lượng sản phẩm rồi mới mở rộng quy mô kinh doanh. Vì vậy, chúng tôi không bị choáng ngợp khi quy mô công ty lớn hơn trước nhiều lần trong thời gian ngắn.

“Lái thuyền đi biển chưa gặp gió bão cứ ngỡ mình giỏi, nhưng gặp bão mà không rớt mới là người có bản lĩnh! Không kinh doanh thì thôi, đã kinh doanh phải theo kịp thời đại. Hiện nay là thời đại của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, tôi cũng suy nghĩ và chuẩn bị 7 dây chuyền sản xuất, ứng dụng toàn bộ công nghệ mới. Cơ hội đến, chúng ta sẽ sẵn sàng nắm bắt vì đã chuẩn bị từ trước. Chứ cơ hội đến anh lại bảo “Đợi tôi chút xíu, tôi chuẩn bị thêm”, thì cơ hội đi qua mất rồi.”

Những năm trước dịch Covid-19, nhiều startup vẫn dựa nhiều vào vốn để thúc đẩy tăng trưởng. Với xu hướng phát triển công nghệ, họ phải chi tiêu nhiều cho việc phát triển sản phẩm và tìm kiếm khách hàng trên các nền tảng số. Khi sử dụng hết nguồn vốn vào công nghệ và tiếp cận thị trường, họ lại phải tiếp tục gọi vốn. Hậu đại dịch cho thấy việc đốt tiền đầu tư vẫn chưa giải được bài toán tối ưu hóa nguồn vốn để mang lại lợi nhuận. “Vung tay quá trán” từ nguồn vốn dồi dào mà không dựa trên bảng cân đối kế toán sẽ không quyết định được sự tăng trưởng. Chất lượng và mô hình tăng trưởng quan trọng hơn. Startup cũng không nên lệ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài để phát triển đột phá mà nên làm ra doanh thu để duy trì doanh nghiệp, sau đó mới tính đến việc đột phá về quy mô.

* Giới trẻ thường đến nghe ông ở các buổi diễn thuyết khởi nghiệp, phải chăng là họ đã xem ông như là một startup đàn anh?

– Chúng tôi có điểm chung là ước mơ tạo ra một doanh nghiệp tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người dùng và tạo ảnh hưởng tích cực đến với cộng đồng. Giới trẻ thường hỏi tôi về cách vượt qua khó khăn khi khởi nghiệp và tôi nói với họ rằng, mình phải sẵn sàng để đối đầu với áp lực đến bất ngờ vì thị trường luôn biến động. Tôi nhận ra họ và tôi đều có điểm chung là đã phải trải qua nhiều căng thẳng vì biến động trên thị trường nhưng vẫn sẵn sàng thử nghiệm để vượt qua giới hạn của chính mình, từ đó thực hiện được hoài bão. Giới trẻ khởi nghiệp hiện nay có nhiều ý tưởng sáng tạo, tìm ra được nhiều mô hình kinh doanh và sản phẩm mới lạ, độc đáo hơn thế hệ đi trước. Công nghệ giúp họ mở rộng quy mô doanh nghiệp nhanh hơn. Điều quan trọng là họ phải bản lĩnh để giữ vững được doanh nghiệp khi mở rộng quy mô.

Khi đã chuẩn bị đủ năng lực thì hoài bão của người khởi nghiệp nằm trong tầm với. Tôi tin rằng các bạn trẻ khởi nghiệp sẽ đạt được ước mơ vì đã trang bị đầy đủ kiến thức và thông thạo công nghệ đã phát triển vượt bậc. Khi đã sẵn sàng, họ có thể biến ý tưởng thành hiện thực nhanh chóng hơn chúng tôi ngày trước.

* Cảm ơn ông vì những chia sẻ thú vị

Từ Doanh nhân Sài gòn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *