Hoa hậu H’Hen Niê tham gia cùng đội tuần tra rừng phòng hộ Đông Giang, Tây Giang lan toả thông điệp bảo tồn sự đa dạng sinh học

Vừa qua, Hoa hậu H’Hen Niê có chuyến công tác tại rừng phòng hộ Đông Giang và Tây Giang thuộc tỉnh Quảng Nam. Trong chuyến đi 02 ngày 1 đêm này, H’Hen Niê có cơ hội trải nghiệm cùng đội tuần tra vào trong rừng nhằm tháo gỡ bẫy, bảo vệ rừng và bảo tồn sự đa dạng sinh học.

Bên cạnh hoạt động trồng rừng, H’Hen Niê còn tích cực nhiệt tình trong các hoạt động hướng đến bảo tồn sự đa dạng sinh học, trong đó có bảo vệ động vật hoang dã. Từ đầu năm 2024, H’Hen Niê có nhiều hoạt động đồng hành cùng tổ chức WWF Việt Nam lan toả những thông điệp tích cực về bảo vệ động vật hoang dã như: tham gia hát và nhảy trong MV “Ngừng ăn thịt thú rừng”; chuỗi hoạt động tuyên truyền, nhảy Flashmob tại Huế vào tháng 03/2024; tham dự triển lãm “Vì sự sống bền vững cho thiên nhiên và con người” tại Huế hồi tháng 06/2024… Để tiếp nối chuỗi hoạt động ý nghĩa này, H’Hen Niê lên đường đến rừng phòng hộ Đông Giang và Tây Giang (tỉnh Quảng Nam). Tại đây, H’Hen Niê cùng đoàn giao lưu và trực tiếp cùng Đội tuần tra tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng – Community Patrol Team (CPT) tiến vào sâu trong rừng để tuần tra, kết hợp tháo gỡ bẫy động vật hoang dã. Dự án do Hợp phần Bảo tồn Đồn Đa dạng Sinh học (thuộc dự án VFBC) do USAID tài trợ, nhằm góp phần giúp bảo vệ sự sống của những loài sinh vật dưới tán rừng già.

Trước khi bắt đầu tuần tra, H’Hen Niê và đoàn được các thành viên đội CPT hướng dẫn một vài kinh nghiệm và kỹ năng khi đi tuần tra trong rừng. Cùng đoàn với Hen trong chuyến đi còn có nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An (Quỷ Cốc Tử). Anh cũng là người lưu giữ lại những thước ảnh kỷ niệm của đoàn. Sau khi nghe phổ biến, đoàn theo sự hướng dẫn của đội CPT, tiến sâu vào rừng. Trên đường đi, các thành viên đội CPT kể những câu chuyện kỷ niệm trong những lần vào rừng tháo bẫy. Đến khu vực có bẫy, đội CPT chia sẻ với đoàn về những chiếc bẫy tinh vi được sử dụng nhằm bắt các loài động vật hoang dã không may dính vào bẫy. Nghe đội CPT kể chuyện, H’Hen Niê không giấu được sự xúc động. Đặc biệt khi trực tiếp nhìn thấy những chiếc bẫy, H’Hen Niê tâm sự: “Hen hy vọng rằng cùng với nỗ lực tháo gỡ bẫy của đội, mọi người sẽ chung tay ngăn chặn việc bẫy thú rừng cũng như các hoạt động săn bắt động vật hoang dã. Hãy cho các loài vật được sống và phát triển an toàn trong môi trường tự nhiên, trong đó ngừng ăn thịt thú rừng cũng là hành động góp phần giảm tình trạng săn bắt động vật hoang dã ngoài tự nhiên”.

Vốn có kinh nghiệm nhiều trong những chuyến trồng rừng, H’Hen Niê không ngại đường đi hiểm trở hay khó khăn. Với cô, được góp sức cho các hoạt động cộng đồng là niềm vui và hạnh phúc. Vì thế, H’Hen Niê luôn ưu tiên thời gian tham gia các hoạt động này.

Thông qua chuyến đi, H’Hen Niê có thêm những kiến thức và trải nghiệm thực tế cùng với đội tuần tra gỡ bẫy. Từ đó H’Hen Niê mong muốn có thể dùng tiếng nói của mình lan toả thông điệp bảo tồn sự đa dạng sinh học đến với cộng đồng. Trước đó, H’Hen Niê vừa đi Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hoá để trồng 1 ha rừng. Đầu tháng 09 tới, H’Hen Niê sẽ trao 02 thư viện thân thiện xây dựng theo mô hình Room To Read tại Ninh Thuận.

 

 


Thông tin thêm về Đội tuần tra tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng-Community Patrol Team (CPT)

Hợp phần Bảo tồn Đồn Đa dạng Sinh học (thuộc dự án VFBC) do USAID tài trợ đã hỗ trợ tài chính và hợp tác với 18 ban quản lý rừng tại các tỉnh Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng và Đồng Nai để thành lập 44 tổ CPT, gồm 208 thành viên, chủ yếu là người dân tộc thiểu số từ tháng 10 năm 2022 đến nay nhằm phần nào giải quyết cuộc khủng hoảng bẫy thú tại Việt Nam bằng cách triển khai tuần tra dựa vào cộng đồng tại các khu bảo tồn.

 

Các thành viên của Đội CPT được đào tạo về hoạt động thực địa, công cụ tuần tra SMART, các biện pháp bảo vệ xã hội và môi trường, sơ cứu, và các quy trình an toàn để đảm bảo tuần tra rừng hiệu quả và giảm thiểu rủi ro.

 

Cho đến nay, các nhóm CPT đã chứng minh được hiệu quả của mình bằng cách gỡ bỏ 46.266 bẫy và phá dỡ 373 lán trại săn bắn bất hợp pháp chỉ trong hai năm hoạt động.

  • 354 km tuần tra đã được thực hiện
  • 734 ngày tuần tra
  • 957 chuyến tuần tra
  • 24 động vật được giải cứu khỏi bẫy

Photo: anh Ngô Trần Hải An

Hoàng Mai Thủy Uyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *