NSND Kim Xuân, Đàm Vĩnh Hưng, Đoàn Minh Tài cùng nhiều nghệ sĩ ý kiến về bộ luật “phong sát” nếu được ban hành

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch xây dựng quy trình xử lý nghệ sĩ vi phạm pháp luật, sẽ bị cấm sóng, cấm biểu diễn, cấm hoạt động trên mạng, hay còn gọi là “phong sát”.

Ngày 22.12, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022, định hướng nhiệm vụ năm 2023. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chủ trì Hội nghị. Thông tin tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử) cho biết, năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất với Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch xây dựng quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật là các nghệ sĩ, nếu có hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị cấm sóng, cấm biểu diễn, cấm hoạt động trên mạng, hay còn gọi là “phong sát”. Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng, các vi phạm hành chính của nghệ sĩ trên môi trường mạng chỉ từ 5 – 15 triệu đồng chưa đủ sức răn đe với những người nổi tiếng sẽ có các giải pháp khác, ví dụ như khóa kênh, cắt nguồn tiền quảng cáo và tới đây nữa sẽ là cắt sóng, cấm biểu diễn… Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng cho biết, khi ban hành quy định trên sẽ chính thức công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

NSND Kim Xuân

Đề cập đến việc xử lý nghệ sĩ vi phạm pháp luật sẽ bị cấm sóng, cấm biểu diễn, cấm hoạt động trên mạng, hay còn gọi là “phong sát”, NSND chia sẻ: “Theo tôi điều đầu tiên là các Hội ban ngành cần ra quy định nhắc nhở trước để rèn luyện cho các nghệ sĩ thói quen tự giác làm việc nghiêm chuẩn và soi chiếu hành động theo luật tự rút kinh nghiệm còn khi sự việc xảy ra rồi thì buộc phải ra quyết định sử dụng luật thôi. Theo tôi đã gọi là luật thì phải thi hành vì mỗi cá nhân sống và làm việc ở nơi nào thì phải theo tinh thần thượng tôn pháp luật nhưng pháp luật ở nhà nước ta luôn có sự lý và tình!”

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng

Theo tôi, nghệ sĩ cũng muốn được biết mọi thứ cụ thể hơn, ví dụ tuỳ theo mức độ vi phạm nặng nhẹ mà có thời gian thời hạn rõ ràng. Vẫn biết đó cũng là 1 hành động mạnh để nghệ sĩ có những lựa chọn đúng đắn trong hành xử, tuy nhiên phải có những quy định cụ thể chi tiết như thế nào thì nghệ sĩ mới phục. Đồng thời, nghệ sĩ cũng muốn được bảo vệ khi bị chà đạp, bôi nhọ, vu khống, đặt điều, tấn công trong khi họ tôn trọng pháp luật, không tự phát chống trả. Theo tôi, xưa nay dù là người dân bình thuờng hay nghệ sĩ, ai vi phạm cũng đều bị xử lý theo pháp luật chứ không có ai ưu ái hay bao che gì cả. Bằng chứng là đã có không ít nghệ sỹ cũng đã chịu các loại án tuỳ theo mức độ họ vi phạm.. Và nói một cách công tâm, ngày nay các sóng đều về nhì so với các nền tảng khác , nên cấm sóng là điều “ nhát ma Đức giáo hoàng “ Cần phải nêu cụ thể, chính xác , rõ ràng hơn trong mọi quyết định đưa ra từ các cơ quan ban ngành.Cứ đánh giá theo mức độ vi phạm mà có sự khống chế! Chứ nói chung chung thì mù mờ và khó thuyết phục trong vấn đề răn đe

NSUT Mỹ Uyên

Theo tôi thấy các nghệ sĩ tham gia mạng xã hội qua công ty thì đảm bảo nội dung còn những bạn tự phát tung nội dung mà nội dung chưa đạt vi phạm thì bị xử lý là đúng rồi. Khi chủ trương ra như vậy thì sẽ hướng những người làm nghề có cái nhìn bao quát cẩn thận hơn, là định hướng tốt giúp cho người nghệ sĩ có những bước đi cẩn trọng hơn. Qua những quy định mới này giúp cho người nghệ sĩ nói riêng và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nói chung sẽ đi vào khuôn phép và có  sự quản lý đúng mức.

Diễn viên Đoàn Minh Tài

Theo Đoàn Minh Tài thì luật này vô cùng ý nghĩa và rất cần thiết. Nghệ thuật phải nghiêm minh như những ngành nghề khác. Có thưởng, có phạt  thì “xã hội nghệ thuật” mới trong sạch và phát triển tốt được. Nhiều nghệ sĩ bẩn đang tô màu và làm hoen ố bức tranh đẹp của nghệ thuật. Cần xử lý triệt để, xử lý mạnh như một số nước đang làm. Có như vậy những nghệ sĩ hoạt động chân chính mới được nhìn nhận đúng giá trị của họ.

Sunny Đan Ngọc

Theo Sunny nghĩ thì nếu ban hành luật như thế này cũng có ý đúng, là sẽ giúp cho các nghệ sĩ hoạt động trách nhiệm và tử tế hơn với ngành nghề của mình. Nhưng mà Sunny nghĩ “phong sát” hoàn toàn thì cũng tội nghiệp cho người nghệ sĩ bị như vậy. Thay cho việc cấm sóng toàn bộ các tác phẩm xưa đến nay thì Sunny nghĩ rằng những sản phẩm nghệ thuật trước đó có sự tham gia của người nghệ sĩ vẫn nên được tiếp tục lưu hành, mình chỉ nên cấm sóng từ lúc sai phạm trở về sau thôi!

 

Thủy Uyên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *