Nam tài tử Huỳnh Kiến An tiếp tục ghi dấu ấn với vai diễn thấm đẫm nhân văn trong phim ngắn “Tình làng nghĩa xóm”.
Vừa giành giải Nam diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng (DANAFF) 2025, nghệ sĩ Huỳnh Kiến An tiếp tục khẳng định dấu ấn diễn xuất khi trở lại màn ảnh nhỏ với tập phim ngắn “Tình làng nghĩa xóm”, phát sóng trong chuỗi phim ngắn cuối tuần trên THVL. Với vai diễn mới này ông một lần nữa chạm đến chiều sâu tâm lý nhân vật bằng sự tiết chế và tinh tế – thứ khiến khán giả không thể rời mắt khỏi từng khung hình có ông xuất hiện.
Một người đàn ông tưởng như có tất cả nhưng lại cô đơn giữa đời sống cộng đồng
Nhân vật ông Lâm mà Huỳnh Kiến An thủ vai là một người đàn ông trung niên thành đạt, sống cùng vợ trong ngôi nhà khang trang, con cái thành đạt. Nhưng đằng sau sự chỉn chu bề ngoài là một con người khép kín, kiêu ngạo và luôn giữ khoảng cách với những người xung quanh. Ông không mượn đến ai, và cũng từ chối mọi lời nhờ vả. Với ông, “nghèo khó” đồng nghĩa với “phiền phức”, và “giúp đỡ” là một trách nhiệm không mong muốn.
Huỳnh Kiến An vào vai người đàn ông giàu có, sống thờ ơ với hàng xóm.
Cuộc sống của ông Lâm là minh chứng điển hình cho một kiểu người: tự lực, tự trọng, nhưng cũng tự cô lập chính mình. Ông tin rằng con người phải mạnh mẽ, phải sống độc lập, phải biết tự lo. Cho đến một ngày, một cơn tai biến bất ngờ ập đến. Trong tình thế nguy kịch, người đàn ông từng xem nhẹ tình làng nghĩa xóm lại không còn ai bên cạnh.
Điện thoại không một số liên lạc, hàng xóm không ai ở nhà, người vợ đành cầu cứu bà Tới – người từng bị ông Lâm từ chối giúp đỡ. Chính bà Tới là người gọi xe cấp cứu, cứu ông thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Câu chuyện khép lại bằng sự thay đổi thầm lặng nhưng đầy sức nặng: ông Lâm chủ động xin lỗi hàng xóm, tìm lại kết nối với cộng đồng và học cách trao đi sự tử tế.
Con người có thể sống một mình nhưng không thể tồn tại một mình
Tập phim không chỉ là tái hiện chân dung của một con người, mà còn là câu hỏi sâu sắc gửi đến mỗi khán giả: Liệu con người ta có thể thực sự sống một mình? Khi đối diện với biến cố sinh – tử, tiền tài, chức vị hay quan điểm sống tự cường cũng không đủ để thay thế một cánh tay giơ ra giúp đỡ. Đó chính là thông điệp cốt lõi mà bộ phim truyền tải – một cách lặng lẽ nhưng thấm thía.
Hàng xóm bên cạnh giúp đỡ lúc ông Lâm gặp nguy nan.
Huỳnh Kiến An diễn xuất bằng ánh mắt và sự im lặng
Điều khiến vai ông Lâm trở nên ấn tượng nằm ở cách Huỳnh Kiến An sử dụng sự tối giản để thể hiện chiều sâu nhân vật. Không cần lời thoại nặng nề, ông tạo hình một ông Lâm lạnh lùng chỉ bằng ánh mắt sắc lạnh, cái phẩy tay khước từ hay ánh nhìn khinh khỉnh dành cho người nghèo. Từ sự tự tin của một người đàn ông thành đạt đến ánh mắt ngỡ ngàng, rồi sụp đổ trong giây phút phát bệnh – tất cả đều được ông truyền tải trọn vẹn bằng ánh mắt và nhịp thở.
Biến cố tai biến là cao trào của diễn xuất. Sự bất lực khi không thể cử động, sự sợ hãi khi thấy chính mình đang hoàn toàn lệ thuộc – những cảm xúc ấy không cần thoại mà vẫn truyền tới khán giả một cách đầy ám ảnh. Và cũng chính Huỳnh Kiến An, bằng một ánh nhìn biết ơn hay một cái cúi đầu nhẹ nhàng sau hồi phục, đã cho người xem thấy sự chuyển hóa từ bên trong: một người đàn ông học lại cách sống.
Ánh nhìn mang lời xin lỗi và cả sự biết ơn của ông Lâm dành cho bà con hàng xóm.
Huỳnh Kiến An sinh năm 1959 trong một gia đình gốc Hoa tại TP.HCM. Con đường đến với nghệ thuật thứ bảy của ông khá lận đận, từng kinh qua nhiều nghề từ ca sĩ, thuyết minh phim đến chụp ảnh hậu trường trước khi bén duyên với vai diễn quan huyện Thạch trong phim cổ tích “Nàng Xuân Hương”.
Sở hữu gương mặt góc cạnh, đậm chất điện ảnh, ông thường được các đạo diễn “chọn mặt gửi vàng” cho những vai phản diện khó ưa. Từ gã cha dượng bạo hành trong “Đêm tối rực rỡ” đến những vai ông trùm, đại gia mưu mô trong “Cô hầu gái”, “Gái già lắm chiêu V”… Huỳnh Kiến An đã đóng những vai bị ghét nhiều đến nỗi khán giả đôi khi cũng “ghét lây” ra ngoài đời.
Ở tuổi U70, ngọn lửa đam mê trong Huỳnh Kiến An vẫn rực cháy, và giải thưởng “Nam diễn viên xuất sắc” tại DANAFF 2025 cùng sự yêu mến của khán giả qua từng thước phim chính là sự ghi nhận xứng đáng nhất cho người nghệ sĩ “gừng càng già càng cay” này.
Hoàng Thủy Uyên
Bài viết liên quan: