Theo Sarah Harvey, tác giả của cuốn “Kaizen: The Japanese Secret to Lasting Change”, phương pháp Kakeibo thật sự hiệu quả trong việc giúp mọi người đưa ra những quyết định tài chính thông minh hơn.
Sarah Harvey cho biết, nghệ thuật tiết kiệm tiền ‘Kakeibo’ của Nhật Bản đã thay đổi hoàn toàn cách quản lý tài chính cá nhân của bà.
Năm 2017, Sarah quyết định nghỉ việc tại một nhà xuất bản ở London và chuyển đến Nhật Bản. Bà cho biết, bản thân rất yêu thích công việc của mình và có một cuộc sống xã hội tuyệt vời nhưng lại khao khát một điều gì đó mới mẻ và khác biệt.
Sau khi sống ở Tokyo được sáu tháng, bà đã bị cuốn hút bởi cách các chi tiết nhỏ trong đời sống hàng ngày ở Nhật Bản.
Nó không giống bất cứ điều gì bà đã từng trải qua, và nó khuyến khích bà sống chậm lại và thực hiện một số cải thiện trong lối sống – đặc biệt là thói quen chi tiêu “phù phiếm và bốc đồng” của Sarah.
Sarah chia sẻ: “Một số người không phải vật lộn với việc chi tiêu quá mức và có thể sống một cuộc sống thoải mái chỉ với những thứ cần thiết. Tôi chưa bao giờ là một trong những người đó. Thay vào đó, tôi có thói quen mua sắm khi cảm thấy buồn chán, căng thẳng hoặc không vui về một điều gì đó. Tôi cũng mua sắm khi tâm trạng vui vẻ hoặc khi muốn ăn mừng và thường chi tiêu vượt quá khả năng của mình”.
Chính vì vậy, bà đã tìm hiểu phương pháp lập ngân sách – tiết kiệm tiền của Nhật Bản có tên là Kakeibo và quyết định thử.
‘Kakeibo’: Phương pháp tiết kiệm tiền của người Nhật Bản
Kakeibo, phát âm là “kah-keh-boh”, có nghĩa là “sổ chi tiêu tài chính gia đình”, là một phương pháp đơn giản và vô cùng dễ dàng để quản lý tài chính cá nhân. Người tạo ra phương pháp này là nữ nhà báo đầu tiên của Nhật Bản Hani Motoko.
Rõ ràng, việc thay đổi những thói quen tài chính chưa khoa học không phải là điều dễ dàng – một phần vì thói quen chi tiêu của chúng ta đã ăn sâu vào cuộc sống hàng ngày và hành động chi tiêu thường bị ảnh hưởng bởi khía cạnh cảm xúc.
Và theo Sarah, Phương pháp Kakeibo thật sự hiệu quả trong việc giúp mọi người đưa ra những quyết định tài chính thông minh hơn.
Không có công nghệ, chỉ có sổ tay và bút
Giống như tất cả các hệ thống lập ngân sách, ý tưởng đằng sau kakeibo là giúp bạn hiểu mối quan hệ của mình với tiền bạc bằng cách ghi lại mọi khoản thu nhập và chi tiêu.
Tuy nhiên, điều khiến Kakeibo trở nên khác biệt là nó không liên quan đến bất kỳ phần mềm, ứng dụng hoặc bảng tính ngân sách nào. Tương tự như ghi nhật ký bằng gạch đầu dòng, phương pháp này tập trung vào tầm quan trọng của việc viết ra mọi thứ một cách vật lý – như một cách thiền định để xử lý và quan sát thói quen chi tiêu của bạn.
Phương pháp đã chứng minh những lợi ích của việc viết tay các khoản thu chi của mỗi người: Nó có thể giúp bạn thực hiện những thay đổi tích cực bằng cách khuyến khích bạn nhận thức nhiều hơn về thói quan chi tiêu cá nhân, đồng thời buộc phải thừa nhận những nguyên nhân đằng sau những thói quen xấu của bạn.
Theo phương pháp Kakeibo, bạn phải tự đặt ra những câu hỏi dưới đây cho bản thân trước khi mua bất kỳ mặt hàng không thiết yếu nào – hoặc những thứ bạn mua ngẫu hứng nhưng có thể không thật sự cần:
Tôi có thể sống mà không có món đồ này không?
Với tình hình tài chính hiện tại, tôi có đủ khả năng chi trả cho món hàng này không?
Tôi sẽ thực sự sử dụng nó?
Tôi có chỗ để chứa nó không?
Cách tôi nhìn thấy món đồ đó lần đầu tiên? (Có phải mình thấy nó trên tạp chí? Mình tình cờ thấy nó khi lang thang vào một cửa hàng quà tặng trong lúc chán nản?)
Tâm trạng hôm nay của tôi là gì? (Bình tĩnh? Căng thẳng? Ăn mừng? Cảm thấy tồi tệ về bản thân?)
Tôi cảm thấy thế nào khi mua nó? (Hạnh phúc? Vui mừng? Thờ ơ? Và cảm giác này sẽ kéo dài bao lâu?)
Sarah cho biết, mặc dù Kakeibo có hiệu quả trong việc giúp bà kiểm soát tài chính của bản thân, nhưng điều nó thực sự làm được – điều mà các phương pháp về quản lý tài chính cá nhân mà bà đã thử trước đây không làm được – Đó là Kakeibo đã buộc “Tôi phải suy nghĩ về việc mua sắm của mình và điều gì thúc đẩy tôi mua một món hàng”.
Nói cách khác, cuối cùng Sarah đã có thể chiến thắng nỗi sợ phải hoàn toàn thành thật về “nhu cầu” và “mong muốn” của mình. Kết quả là, bà trở nên “giỏi” hơn trong việc đưa ra các quyết định nhanh hơn, thông minh hơn và hợp lý hơn về việc có nên chi tiền cho một món hàng cụ thể hay không.
Cuối cùng, sau khi ứng dụng phương pháp Kakeibo vào cuộc sống của mình, Sarah rút ra được, các hành động chi tiêu và tiết kiệm có ý thức có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau và những thay đổi nhỏ khi áp dụng kakeibo đã giúp bà ngày càng tiết kiệm được nhiều tiền hơn.
Làm thế nào để chi tiêu có ý thức hơn
Để ngày càng tiết kiệm được nhiều, theo Sarah, bạn phải luôn đặt câu hỏi phù hợp trước bất kỳ một một hành vi mua sắm nào của bản thân.
Dưới đây là một số chiến lược đơn giản theo phương pháp Kakeibo giúp mỗi cá nhân có ý thức hơn khi mua sắm:
Tạm dừng thanh toán sản phẩm trong 24 giờ. Hành động này sẽ giúp bạn biết được bản thân có thực sự muốn hay cần món hàng hay không. Nếu ngày hôm sau, bạn vẫn đang suy nghĩ về món đồ đó và có đủ khả năng chi trả thì hãy mua chúng. Bạn sẽ cảm thấy hài lòng hơn về quyết định của mình.
Đừng để những chương trình “khuyến mại lớn” cám dỗ bạn. Sarah cho biết bà từng là người rất thích mua sắm trong những đợt giảm giá khuyến mại nhưng điều đó có nghĩa bạn sẽ tiêu tiền vào những thứ có thể sẽ không bao giờ sử dụng đến. Vì vậy, một mẹo nhỏ đó là, đối với mỗi mặt hàng bạn có trong giỏ hàng trong đợt giảm giá, hãy tự hỏi liệu bạn có mua nó nếu nó có giá gốc hay không.
Hãy thường xuyên kiểm tra số dư tài khoản ngân hàng. Kiểm tra số dư tài khoản sẽ giúp bạn cảm thấy kiểm soát được tài chính của mình nhiều hơn vì nó sẽ giúp bạn biết được chính xác năng lực tài chính của mình
Chi tiêu bằng tiền mặt. Việc giao tiền mặt một cách vật lý thay vì chỉ quẹt thẻ một cách vô thức sẽ giúp bạn ý thức hơn về những gì mình đang chi tiêu và bạn sẽ thấy việc lập ngân sách dễ dàng hơn. Hãy thử rút ra một lượng tiền mặt nhất định để sử dụng trong tuần và chỉ chi tiêu những gì bạn có.
Đặt lời nhắc nhở trong ví của bạn. Bạn của Sarah đã nảy ra một ý tưởng tuyệt vời là dán một mảnh giấy lên thẻ tín dụng của cô ấy với nội dung: “Bạn có THỰC SỰ cần cái này không?!!” Bất cứ điều gì nhắc bạn lùi lại một bước trước khi mua hàng sẽ giúp bạn đưa ra quyết định thông minh hơn.
Thay đổi môi trường khiến bạn phải chi tiêu. Ví dụ: nếu bạn nhận thấy rằng bạn thường tiêu tiền sau khi nhấp vào email tiếp thị hoặc xem ảnh của một người có ảnh hưởng trên Instagram mặc đồ của một thương hiệu cụ thể, thì hãy hủy đăng ký hoặc hủy theo dõi. Hoặc, nếu bạn mua quần áo hoặc đồ trang điểm khi có thời gian rảnh rỗi, hãy thử sử dụng thời gian đó để thực hiện một hoạt động khác, chẳng hạn như đi dạo trong công viên.
(Theo CNBC)
Bài viết liên quan: