Bí quyết vượt qua khủng hoảng của ông trùm tài chính Ấn Độ

Ông trùm tài chính Uday Kotak người Ấn Độ vừa nghỉ hưu ngày 1/9/2023. Giới chuyên gia nhận định vị doanh nhân này là một trong những nhà điều hành ngân hàng vĩ đại nhất toàn cầu trong thế kỷ qua.

Những năm 1950, chính phủ Ấn Độ quốc hữu hóa các công ty bảo hiểm, sau đó tiếp quản hệ thống ngân hàng tư nhân đến tận năm 1980, khiến nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề.

Doanh nhân Kotak thành lập Ngân hàng Kotak Mahindra năm 1985. Khi Ấn Độ mở cửa những năm 1990, hàng nghìn tổ chức tài chính được thành lập, nhưng phần lớn phá sản bởi khủng hoảng kinh tế 2007-2009. Ông Kotak đã tránh được sai lầm phổ biến khi đó là cung cấp tín dụng dựa trên quan hệ chính trị.

uday.jpg
Doanh nhân Uday Kotak – nhà sáng lập Ngân hàng Kotak Mahindra – Ảnh: Reuters

Vốn hóa thị trường của Kotak Mahindra đạt đỉnh 59 tỷ USD năm 2021. Sau đó, do khó khăn vì dịch Covid-19 đã giảm còn 42 tỷ USD.

Giai đoạn này, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ áp đặt quy định về nhiệm kỳ lãnh đạo cho các tổ chức tài chính nên ông Kotak phải về hưu. Thay vì làm đến ngày cuối cùng năm 2023, ông chọn nghỉ sớm để tổ chức đám cưới cho con trai.

Giai đoạn dẫn dắt Kotak Mahindra, ông đối mặt nhiều khó khăn. Ví dụ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 hay Covid-19 giai đoạn 2020-2022.

Khi kinh tế thế giới chao đảo giai đoạn 2008-2009, ông muốn Kotak Mahindra giảm cho vay, đến lúc phải thận trọng dù các doanh nghiệp lớn ở Ấn Độ đều cần tiền. Ông khẳng định, đây không phải lúc theo đuổi lợi ích một cách mù quáng mà nên cân đối tình hình tài chính.

Mục tiêu đầu tiên là ông muốn cắt giảm các khoản vay cá nhân không có đảm bảo. Giai đoạn này, hoạt động tín dụng tăng trưởng vượt bậc, có ngân hàng cho vay với lãi suất lên đến 35%/năm. Tuy nhiên, Kotak Mahindra đứng ngoài xu hướng trên và chọn vừa cho vay vừa thu nợ.

Những gì xảy ra sau đó cả thị trường đã chứng kiến. Nhiều doanh nghiệp không thể trả nợ khiến một số ngân hàng phá sản. Riêng Kotak Mahindra dù doanh thu giảm, nhưng cơ bản vượt qua khó khăn.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Kotak nói: “Khủng hoảng cũng như đua marathon, nếu chạy quá nhanh sẽ mau kiệt sức. Chạy vừa phải có thể không về đích đầu tiên, nhưng sẽ hoàn thành cuộc đua một cách khỏe mạnh”.

Covid-19 xuất hiện cuối năm 2019, Ấn Độ bị ảnh hưởng nặng nề về nhân mạng con người lẫn tài sản. Phong tỏa buộc nhiều công ty ngưng sản xuất, không có lợi nhuận, không thể trả lãi cho ngân hàng. Kotak Mahindra phải giảm lãi suất nhiều khoản vay. Sóng gió ập đến, nhưng không đến nỗi khó khăn như giai đoạn 2008-2009.

Thời gian này, nhiều người mất việc cộng với chuỗi cung ứng đứt gãy, đẩy giá hàng hóa lên cao. Phần lớn nhận ra tiền tiết kiệm có thể nhỏ, nhưng đóng vai trò quan trọng. Nó giúp sống sót qua khó khăn.

Tận dụng tâm lý trên, Kotak Mahindra giúp khách hàng mở tài khoản tiết kiệm trực tuyến chỉ bằng vài cú click chuột. Người dùng không cần trả bất kỳ khoản tiền thiết lập hay duy trì nào, cũng không cần có số dư tối thiểu.

Nhờ ưu ái trên cùng các ưu tiên khác, Kotak Mahindra có thêm hàng trăm nghìn tài khoản mới, với hàng triệu USD tiền gửi mỗi tháng. Con số tăng mạnh khi Covid-19 đi qua.

Vấn đề nổi bật thứ hai là phần lớn người đi làm không mua bảo hiểm y tế bên ngoài, do đã được công ty mua. Khi đại dịch ập tới, người lao động mất việc, mất luôn cả bảo hiểm.

Số người nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ ngày càng tăng. Tình huống sẽ khó khăn, nếu bệnh nhân thất nghiệp không có bảo hiểm. Càng rủi ro nếu không có tiền tiết kiệm, hoặc bệnh trở nặng. Tổn thương này được phơi bày với hàng triệu người dân.

Nhận thức được thực tế nghiệt ngã trên, Kotak Mahindra tung ra nhiều gói bảo hiểm với giá ưu đãi. Dù mất việc, khách hàng cũng không phải lo chuyện tiền nong nếu bị bệnh. Hàng nghìn thanh niên Ấn Độ đã tìm tới Kotak Mahindra. Con số tăng rất nhiều khi Covid-19 qua đi từ đầu năm 2023 tới nay.

Trong một bài phát biểu gần đây, ông Kotak nói: “Vấn đề luôn đi kèm cơ hội. Nhưng cơ hội không bao giờ biểu lộ nó đang tới. Thường bạn chỉ nhận ra khi nó đã đi qua”.

Triết lý quản trị của doanh nhân Kotak là luôn tìm cơ hội trong khó khăn. Ngoài ra, ông tin rằng sức sáng tạo của con người là vô hạn. Ông khuyến khích mọi nhân viên nói ra suy nghĩ, dù điều đó có kỳ quặc đến đâu. Ông khẳng định, công ty không muốn bỏ lỡ bất kỳ sáng kiến có lợi nào.

Bài học rút ra: Hãy tin rằng trong khó khăn luôn có cơ hội. Cần phải nhìn thật kỹ tình huống, hiểu thật chắc vấn đề, lắng nghe thật sâu đối tác để nhận ra cơ hội hiển hiện xung quanh.
Bí quyết thành công:
– Đừng bỏ qua ý tưởng dù nhỏ bé của bất kỳ ai. Một bác bảo vệ cũng có thể đưa ra sáng kiến giúp tập thể thu về hàng triệu USD. Hãy luôn khuyến khích mọi người nói ra suy nghĩ và đóng góp để doanh nghiệp phát triển.
– Khi bổ nhiệm nhân sự, cần dựa trên sự công bằng, tức đánh giá ứng viên thông qua tài năng. Điều cấm kỵ là bổ nhiệm người nhà, dựa vào mối quan hệ thân thiết hoặc chính trị. Nếu chọn sai người, sẽ dẫn tới hậu quả kéo theo mệt mỏi về sau. Môi trường làm việc trong doanh nghiệp sẽ trở nên phức tạp hơn nếu có yếu tố gia đình hay hình thành các nhóm với quan điểm khác biệt. Ngược lại, chọn được người tài năng, hoàn cảnh khó khăn nào, doanh nghiệp cũng sẽ vượt qua.

Doanh nhân Uday Kotak

từ Doanh nhân Sài Gòn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *